top of page
Writer's pictureNguyệt Minh

[GD&TĐ] “Thiết kế Lì xì hạt giống“: Gieo yêu thương và màu xanh cho cuộc sống

Với mỗi gia đình, tham gia Lì xì hạt giống là cả nhà sẽ cùng nhau gieo hạt và trồng cây. Mỗi cái cây sẽ là một kỷ niệm. Gia đình trồng cây hôm nay để ngày mai đứa trẻ được hưởng bóng mát. Và Tết sẽ vui hơn khi người lớn không còn phải lo nghĩ "Tết này lì xì bao nhiêu?"

Những thiết kế Lì xì hạt giống của các em học sinh trưng bày tại chương trình (Ảnh: Thế Đại)

32 trường học tham gia, 1.000 bài dự thi trên 8 tỉnh thành và 15 đơn vị truyền thông là những con số ấn tượng của Cuộc thi Lì Xì hạt giống lần thứ 1. 

Từ thành công này, Gieo - Nghệ thuật Trao hạt May mắn - một dự án xã hội của Công ty Cổ phần Trao Group cùng với sự đồng hành của Báo Giáo dục và Thời đại, Công ty CP phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô khởi động cuộc thi Thiết kế Lì xì Hạt giống lần 2 Tết 2019 với kỳ vọng Cuộc thi thành công sẽ có hàng tỷ hạt giống được gieo, hàng triệu cây xanh được trồng, hàng ngàn người được truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên và sự tử tế. 

Ông Lương Ngọc Đức (áo trắng), đồng sáng lập Gieo – Nghệ thuật Trao hạt May mắn chia sẻ ý nghĩa của Cuộc thi Thiết kế Lì xì hạt giống. 

Với quan niệm "của cho không bằng cách cho", kể từ năm 2016 Gieo đã giới thiệu Lì xì Hạt giống và gieo hạt đầu xuân như là một lựa chọn khác cho truyền thống lì xì bằng tiền và Cuộc thi Thiết kế lì xì hạt giống sẽ khuyến khích một cách lì xì mới và mong muốn “trong sáng trở lại hành vi lì xì”. 

“Chúng tôi kỳ vọng những người muốn lì xì trong sáng có thêm một lựa chọn nữa là không phải đau đầu lì xì bạn này, bạn kia bao nhiêu tiền.

Theo đó, trước Tết mọi người có thể tiết kiệm hạt giống sau mỗi lần ăn hoa quả rồi đem phơi khô, bọc vào trong một phong bao tự làm, viết một lời chúc thật hay, thật ý nghĩa. Món quà sẽ được các thành viên trong gia đình trao tặng cho nhau vào dịp đầu xuân. Cả gia đình sẽ dùng chính những hạt giống này để cùng nhau gieo trồng cây xanh và may mắn”, ông Lương Ngọc Đức, đồng sáng lập Gieo – Nghệ thuật Trao hạt May mắn chia sẻ.

Những lời chúc đáng yêu các học sinh dành tặng người thân yêu trên các thiết kế lì xì hạt giống.

“Cuộc thi hướng tới sự thay đổi văn hóa cho đi khi trẻ em được chủ động trao lì xì cho ông bà, bố mẹ và những người thân yêu của mình thay vì chỉ chờ tiền mừng tuổi như mọi năm. Các em sẽ được thỏa sức sáng tạo, tự tay thiết kế những phong bao lì xì và viết lời chúc may mắn gửi đến người thân, gia đình và cả bạn bè mình”, ông Đức cho biết thêm. 

Điểm mới của cuộc thi năm nay là đối tượng tham dự được mở rộng tới các gia đình, phụ huynh và các thầy cô giáo. Cuộc thi sẽ nhấn mạnh hơn vào sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc hình thành thói quen gieo trồng cho trẻ. 

Không dừng lại ở đó, sau cuộc thi Gieo sẽ có những hoạt động theo dõi quá trình gieo hạt, nảy mầm.

Cụ thể sau Tết, Gieo sẽ tổ chức các hoạt động gieo hạt giống, từ đó các em có thể chia sẻ thành quả lên mạng xã hội và tạo nên các cuộc thi nho nhỏ để xem các hạt giống đã được gieo trồng, phát triển và cho thành phẩm thế nào. Tiến xa hơn, các em sẽ có những hoạt động thiết thực hơn như cùng nhau trồng một khu rừng và chăm sóc nó. 


Báo GD&TĐ nhận bảo trợ truyền thông cho chương trình này vì đây là một dự án xã hội phi lợi nhuận mang ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Ý nghĩa nhân văn của chương trình có thể lan tỏa rộng hơn đến từng trường học, phụ huynh, học sinh, giáo viên. Chúng tôi mong muốn qua đó dần dần thay đổi tư duy, thay đổi cộng đồng về bảo vệ môi trường. 

 Bà Dương Thanh Hương – Phó TBT Báo GD&TĐ


Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết: Nhiều đứa trẻ thành phố đôi khi cầm hạt giồng trong tay nhưng không biết phải gieo và trồng cây như thế nào nên năm nay, chúng tôi thành lập một nơi tạm gọi là trung tâm tiếp nhận hạt giống và những mầm xanh bằng những hoạt động gieo hạt và trồng cây đầu năm. 

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô: “Chúng tôi đang tìm cách để mọi người trao đi cũng như khơi gợi bản năng yêu thương một cách tự nhiên...".

Không những thế, các em nhỏ còn có thể tham gia các nông trại, tự tay gieo trồng vào các ô cây của các em đã được gắn tên, và chúng tôi sẽ theo dõi những khóm cây đó phát triển thế nào. Quá trình theo dõi sự ươm mầm, phát triển của hạt giống cũng là lý do giúp bố mẹ đồng hành cùng con, và giúp con thấy rõ ý nghĩa của việc gieo trồng. 


“Chúng tôi đang tìm cách để mọi người trao đi cũng như khơi gợi bản năng yêu thương một cách tự nhiên. Chăm sóc một cái cây, hay yêu một mầm xanh sẽ giúp các em nhỏ hình thành những tình yêu thương tự nhiên trong cuộc sống, ông Nguyễn Thành Trung nói. 


Bày tỏ sự thích thú với chương trình, cô Lê Thanh Hải  – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao hào hứng: Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi đồng hành cùng chương trình. Điều đầu tiên tôi nhận thấy sự hồn nhiên trong đôi mắt con trẻ, tình yêu và hạnh phúc khi các con tham gia vào việc tự tay làm bao lì xì. Và rất thú vị khi các bố mẹ cũng bị một lực hút rất mạnh mẽ từ những câu chuyện ngô nghê của con trẻ.

Việc chăm sóc cây xanh cũng là những câu chuyện cực kỳ thú vị. Theo đó, cô giáo và các con có thể kể cho nhau nghe câu chuyện hôm nay bạn cây ở nhà thế nào, hôm nay con cho bạn cây ăn gì, bạn cây có muốn đến lớp cùng không, bạn cây ăn gì, bạn cây có kẻ thù không… rất là nhiều câu hỏi thú vị xoay quanh việc chăm sóc 1 cái cây. Và qua đó, chúng tôi muốn nói truyền tải một thông điệp lớn hơn đó là tính nhân văn của dự án, là ý thức bảo vệ môi trường cho các con ở lứa tuổi rất nhỏ. 

Tôi mong các dự án này không chỉ trồng mầm xanh ở các khu rừng, trang trại mà là ở mỗi góc gia đình như góc học tập xanh để cho các bé thấy “À, mình trồng một cái cây nảy mầm và lớn lên là như thế”. Năm nay, chúng tôi sẽ phát động chương trình này trong toàn tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á 

                Bà Vũ Thu Hằng -  Giám đốc truyền thông Ngân hàng Bắc Á


Khách mời thích thú với các thiết kế lì xì và lời chúc của các em học sinh. 


35 views0 comments

Comentários


bottom of page